Một trong những điểm đáng chú ý nhất trên Galaxy Fold3 vừa ra mắt chính là hỗ trợ bút S Pen. Tuy nhiên là một chiếc máy có màn hình đặc biệt như Fold 3 nên chuyện cây bút dùng được với nó cũng sẽ đặc biệt hơn, cả về loại bút ra mắt kèm theo lẫn những kịch bản mà chúng ta sẽ dùng với nó về mặt chức năng, rồi việc kẹp chung cây bút với điện thoại khi nó không nhét vào bên trong như Note xưa giờ được.
Sơ một chút về Fold 3 và bút S Pen
Trên thực tế, việc Fold3 hỗ trợ bút S Pen là chuyện khá thách thức nhưng nhiều ý nghĩa. Thách thức là vì để cây bút với đầu nhọn có thể được viết vẽ trên một bề mặt màn hình kính dẻo như Fold3 mà không tổn hại tới nó về lâu dài là điều mà Samsung cần phải tính toán kỹ. Thêm vào đó là làm cho nét bút được đảm bảo mượt, liền lạc khi người dùng viết qua đường gấp của màn hình cũng là điểm cần phải xử lý.
Đầu tiên, do màn hình kính dẻo nên bút S Pen dùng cho Fold3 cũng không thể nào dùng cây bút như của Note vốn chỉ phù hợp cho màn hình kính cứng. Bút S Pen dành cho Fold được thiết kế lại với phần đầu bút tròn hơn, đồng thời được đặt nối tiếp với một lò xo bên trong. Khi người dùng viết, đầu bút sẽ tì vào màn hình và hơi thụt vào bên trong tùy theo lực nhấn, từ đó bảo vệ màn hình của Fold được an toàn hơn.
Tiếp theo, để cây bút stylus như S Pen nói chung có thể viết vẽ chính xác trên màn hình điện thoại như hiện tại thì nó cần có bộ số hóa (digitizer) - có thể hình dung là một lớp nằm bên dưới màn hình, Samsung từ rất lâu đã làm việc chặt chẽ với Wacom để phát triển nhằm tạo ra trải nghiệm mà chúng ta thấy trên Note.
Tuy nhiên, trên chiếc điện thoại gập như Fold thì yêu cầu phức tạp hơn. Thành phần số hóa có đặc điểm là rất mỏng manh nên không thể chịu được nhiều lần gập mở. Do đó nếu không có giải pháp xử lý thì qua thời gian màn hình gập mở liên tục, tấm số hóa này sẽ bị hỏng ở đường gấp.
Trong sự kiện Unpacked đêm qua, Samsung cho biết cách giải quyết của họ chính là làm 2 tấm số hóa riêng nằm ở 2 nửa màn hình của máy. Phần tiếp xúc của 2 tấm số hóa này sẽ được một thuật toán thiết kế riêng để "điền vào chỗ trống" khi đầu bút S Pen di chuyển từ nửa này sang nửa kia của màn hình. Bằng cách này, nét bút vẫn liền lạc, không bị đứt quãng và tuổi thọ của tấm số hóa cũng được đảm bảo an toàn qua thời gian như Note.
So sánh 2 loại bút S Pen dùng với Fold 3: S Pen Pro và S Pen Fold Edition
Chúng ta sẽ có tận 2 cây bút S Pen dùng với là S Pen Pro và S Pen Fold Edition được thiết kế theo cách nói trên để dùng được với Fold. Cả 2 sẽ khác với bút S Pen như chúng ta đã từng biết trên các máy Note xưa giờ.
Điểm chung của 2 cây bút là S Pen Pro và S Pen Fold Edition là đều có thể viết, vẽ, chạm chính xác hơn trên màn hình (như chơi các game có giao diện điều khiển với các nút nhỏ li ti chẳng hạn), ghi chú ở chế độ đa nhiệm mở nhiều cửa sổ.
Tuy nhiên, điểm tạo nên sự khác biệt lớn giữa 2 cây bút này chính là bluetooth. Cụ thể:
S Pen Fold Edition
- Không có bluetooth và cũng không hỗ trợ các tính năng Air Action - điều khiển điện thoại mà không cần chạm vào màn hình.
- Kích thước của cây bút này sẽ to hơn khá nhiều so với S Pen trên Note. Cụ thể, Fold Edition dài 13.2 cm, gần bằng con số 15,82 cm của Fold3.
- Do đó nó có thể nhét vừa vào chiếc ốp Flip Cover mà người dùng mua thêm.
S Pen Pro
- Có bluetooth, hỗ trợ đầy đủ các tính năng mà chúng ta từng biết tới về S Pen, bao gồm cả điều khiển mà không cần chạm vào màn hình, bao gồm cả Screen Write, Smart Select, Translate và Magnify.
- Đổi lại, bút S Pen Pro có kích thước lớn, dài hơn khá nhiều so với S Pen Fold Edition (mình thấy chắc cỡ Apple Pencil). Cụ thể, Pro dài 17,27 cm, nghĩa là dài hơn con số 15,82 cm của Fold3 và xấp xỉ chiều dài của Apple Pencil với 17,57 cm.
- Do đó mình nghĩ rằng đây có thể xem như một phụ kiện rời hoàn toàn so với Fold 3 sẽ chính xác hơn.
- S Pen Pro cần được sạc qua cổng USB-C. Samsung cho biết là sạc 50 phút sẽ dùng được tổng cộng 16 ngày.
- S Pen không chỉ có thể dùng được với Fold 3 mà còn có thể dùng được với các máy Galaxy khác có hỗ trợ viết, thí dụ như S21 hoặc Tab S7+ chẳng hạn (cái này game changing nè, nó biến S Pen Pro thành một thiết bị One For All, dùng được với nhiều thiết bị Galaxy hơn với đa dạng các kịch bản khác nhau).
Một trong những yếu tố có tác động tới trải nghiệm viết vẽ bằng S Pen trên màn hình chính là độ trễ latency. Đối với Note 20 ultra, độ trễ của bút S Pen là 9ms và rõ ràng, nó đáp ứng rất tốt đối với tốc độ viết khá nhanh của mình. Samsung hiện vẫn chưa công bố độ trên trên 2 chiếc bút S Pen mới là bao nhiêu, chỉ nói rằng có tốc độ nhanh hơn S Pen hiện tại. Do đó có thể chúng ta vaabx sẽ có thể viết một cách mượt mà như hiện tại.
Xong, bây giờ dù với S Pen nào, thì cuối cùng chúng ta cũng sẽ có thể làm được nhiều trò vui thông qua những gì mà Samsung hỗ trợ về mặt phần mềm, thí dụ như chuyển chữ viết tay thành văn bản, ghi chú trực tiếp trên các tài liệu, dùng để làm "bút và bàn rê" để điều khiển điện thoại chính xác hơn, chơi các trò chơi có giao diện phức tạp nhiều nút để bấm chính xác hơn,...
Các bút S Pen giá bao nhiêu?
Mình dạo thử một vòng giá phụ kiện trên Samsung Mỹ thì giá của S Pen Fold Edition là 50 đô, bản S Pen Pro là 100 đô la. Ngoài ra còn có tùy chọn mua S Pen Edition kèm Flip Cover với giá 80 đô la và mình nghĩ rằng đây sẽ là lựa chọn được mua nhiều nếu người dùng muốn dùng viết cho nhu cầu "viết là chính"
Khi dùng S Pen với Galaxy Fold 3 sẽ cất ở đâu?
Đây là cái mình quan tâm tới rất nhiều khi dùng thiết bị nào có sử dụng bút. Một trong những cái mà người ta quan tâm và thích trên Note chính là việc có sẵn chỗ để nhét bút vào trong thân máy, rất tiện và gọn gàng, lại là bút bluetooth. Trước đây đối với Apple Pencil và iPad, mặc dù có tính năng hít nam châm vào cạnh hông màn hình nhưng trên thực tế, mình vẫn dùng một bao da gắn liền với iPad hoặc một ốp lưng có khay để bút để cố định nó chắc chắn hơn.
Để mang theo bút bên cạnh S21 Ultra thì chúng ta cũng phải gắn nó trên một bao flip cover mà Samsung bán kèm và thiết kế riêng cho máy. Tương tự như vậy, S Pen Fold Edition cũng cần một bao da Flip Cover để có thể mang theo bút bên cạnh Fold3. Cây bút sẽ được nhét vào một "ống" nằm sát ở phần bản lề của máy và dính liền với ốp.
Còn đối với khi dùng bút S Pen Pro thì chắc chắn, anh em khó lòng có thể để để nó lúc nào cũng sát điện thoại. Samsung cũng bán hẳn một bao dành riêng cho chiếc bút này để bảo quản tốt hơn, mình nghĩ sẽ an toàn hơn và cũng đỡ lạc mất hơn.
Ngoài ra một số bên thứ 3 cũng đã có làm các ốp lưng có kèm chỗ gắn bút Fold Edition. Cái này mình sẽ tổng hợp lại một số cái đáng chú ý và báo cáo anh em sau nhé.
Lỡ bị lạc mất S Pen thì đi tìm thế nào?
Okie, giờ nếu giờ mua S Pen Pro dùng nhưng không gắn chặt với điện thoại được nên lỡ để lạc ở đâu đó thì sẽ ra sao? May mắn là do đây là bút bluetooth và người dùng có thể tìm được bằng ứng dụng SmartThings của Samsung, tương tự như nguyên lý đi tìm của SmartTags hoặc các thiết bị Samsung khác vậy. Với tính năng này, người dùng có thể biết được vị trí cuối cùng mà S Pen được "nhìn thấy" bởi bất cứ thiết bị Samsung nào nằm trong vùng bắt sóng với bút. Hiện mình vẫn chưa có bút nên chưa thử được là nếu đi uống cà phê, ngồi lôi bút ra dùng xong, xí xọn thế nào mà để quên bút không mang về thì lúc rời khỏi bút, điện thoại có báo hay không.